Các tôn giáo chịu ảnh hưởng của Phật giáo Phật_giáo_Việt_Nam

Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Lễ tưởng niệm 60 năm ngày tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, tại Pháp viện Minh Đăng Quang.

Đạo phật Khất sĩ Việt Nam là một tông phái Phật giáo nội sinh do Tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập từ 1944, lấy chí nguyện " Nối truyền Thích ca chính Pháp", sư đã dung hợp hai truyền thống Đại thừa phát triển mạnh và Nam truyền gần gũi với lời dạy gốc của Đức Phật. Đi trước phong trào chấn hưng phật giáo những đóng góp của sư có vai trò to lớn trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Bộ sách Chân lý đã đúc kết những nguyện vọng, tông chỉ, đường hướng hoằng đạo của ngài cho các đệ tử.

Bửu Sơn Kỳ Hương

Bửu Sơn Kỳ Hương hay đạo Lành do Đoàn Minh Huyên, đạo hiệu Giác Linh khai sáng vào năm 1849, là một giáo phái dựa vào sự tích Bồ tát Di Lặc hạ sinh để rao giảng về hội Long Hoa của Phật Di Lặc. Bửu Sơn Kỳ Hương đơn giản hóa các triết lý sâu xa của đạo Phật. Đạo đề cao tứ ân, tôn người lập đạo là Phật thầy Tây An.

Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Tứ Ân Hiếu Nghĩa, gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa[1], do Ngô Lợi (thường được tín đồ gọi là Đức Bổn sư) sáng lập. Buổi đầu, đạo là một trong những phong trào Cần Vương, nhưng dùng hình thức tôn giáo để qui tập tín đồ và để che mắt thực dân Pháp. Sau khi vua Hàm Nghi bị đày, Ngô Lợi mất, phong trào tan rã chỉ còn lại những hoạt động tín ngưỡng. Đạo hình thành trên tư tưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương nên ngày càng xa với triết lý của Phật dạy.

Đạo Hòa Hảo

Đạo Hòa Hảo hay còn gọi là Phật giáo Hòa Hảo, là một giáo phái dựa trên nền đạo đức triết lý Phật giáo do Huỳnh Phú Sổ khai lập năm 1939, lấy pháp môn Tịnh Độ tông làm căn bản và chủ trương tu hành tại gia. Số tín đồ Đạo Hòa Hảo ước tính khoảng 2 triệu người, tập trung chủ yếu ở Nam bộ, nhất là ở Tây Nam bộ.

Thực chất Phật giáo Hòa Hảo là tiếp nối của một tông phái Phật giáo có từ gần một trăm năm trước ở đồng bằng Nam bộ có tên là Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên) sáng lập vào năm 1849 tại vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang). Tiếp sau Phật Thầy Tây An là Tứ ân hiếu nghĩa của Phật Trùm, Ngô Lợi (Đức Bổn Sư) rồi đến Huỳnh Phú Sổ. Thời kỳ Huỳnh Phú Sổ là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của đạo Hòa Hảo.

Giáo lý là sự kết hợp của Tịnh Độ tông với Đạo Ông Bà. Tôn chỉ là "Học Phật Tu Nhân", noi theo giáo lý Đức Phật mà tu sửa con người, tích cực thực hành thuyết "Tứ ân (ơn)": cha mẹ, đất nước, tam bảo (Phật-Pháp-Tăng), nhân loại.

Cách thức tu hành của Phật giáo Hòa Hảo rất đơn giản là "tu hành tại gia". Người "cư sĩ tại gia" cúng lạy vào hai buổi sớm mai và chiều tối với 16 lạy như một bài thể dục toàn thân ở "bàn thông thiên", ăn chay một tháng 4 ngày để cơ thể khỏe mạnh; thờ trần đỏ hoặc trần dà với ý nghĩa hòa hợp; không chấp nhận mê tín dị đoan (không đốt vàng mã, không cúng tà thần...); thực hành tiết kiệm triệt để như không dâng cúng thực phẩm cho Phật mà chỉ cúng bông hoa nước sạch, không ăn thịt trâu, chó, để giữ sức kéo...; không hình thức: không đúc tượng, không chuông mõ, "tử thì táng", không có hàng giáo phẩm và không có tổ chức đạo (trước năm 1947).

Tịnh độ cư sĩ Phật hội

Thôn hội tịnh độ cư sĩ ở Vĩnh Long

Do đức Tôn sư Minh Trí sáng lập dựa vào pháp môn tịnh độ lấy giáo lý Đức Phật làm gốc, nhưng diễn đạt đơn giản, dễ hiểu phù hợp với quần chúng nông dân hơn. Phương châm hành đạo "Phước Huệ song tu" lấy việc chữa bị bệnh chăm sóc sức khỏe bằng thuốc nam và Đông y làm phương tiện hành đạo - Phước; lấy pháp môn niệm phật A Di Đà học tập kinh A Di Đà, Vô Lương Thọ, Quán Vô Lượng Thọ - Huệ.

Đạo lấy giáo lý của tôn sư Minh Trí làm căn bản dạy cư sĩ tu tập theo các quyển "kinh, luật, luân" như: Lục Phương lễ bái, Phu thê ngôn luận, Đạo đức, Giới luật, Phật học vấn đáp, Phương pháp kiến tánh.

Nhìn chung trong bối cảnh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Phật giáo suy vi, đất nước chiến tranh loạn lạc, hạn hán mất mùa liên lục ở miền nam tạo ra chỗ trống về tín ngưỡng sự ra đời của các tôn giáo tông phái là để đáp ứng nhu cầu đó các đạo điều dựa trên tư tưởng từ bi của Phật và đạo đức hiếu hạnh, ái quốc của dân tộc để hành đạo. Có nhiều điểm chung giữa các đạo này là lấy việc học đạo làm người làm tiền đề tu học, lấy việc bốc thuốc chữa bệnh làm phương tiện truyền đạo, khi các tín đồ vào đạo thì lấy pháp môn tịnh độ tu tập hướng tới tịnh độ Cực Lạc tây phương của Phật A Di Đà hay tịnh độ của Phật Di Lặc.